Đăng bởi 1 phản hồi

Trường Quốc tế Kenya Bản tin

Gần đây tôi vinh dự được có mặt trên trang bản tin của trường trung học ngày xưa tôi theo học. Ngồi viết về bản thân, tôi miên man nhớ lại những năm tháng đẹp đẽ nhất cuộc đời mình.

  • Anh hãy giới thiệu đôi nét về bản thân.

Xin chào! Tôi là Aron Schuftan, tốt nghiệp Trường Quốc tế Kenya ISK năm 1993. Tôi đã trải qua khoảng thời gian tuyệt vời nhất đời mình tại Kenya (từ năm 1986-1993) và đối với tôi cho đến tận bây giờ đó vẫn luôn là những tháng năm niên thiếu đẹp nhất. Hiện tại tôi đang sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Sáu năm trước, tôi chuyển về đây sinh sống và làm bác sĩ Sản-Phụ Khoa. Tuy nhiên, dạo gần đây tôi tạm thời nghỉ không làm bác sĩ nữa để tập trung theo đuổi đam mê nhiếp ảnh nghệ thuật của mình.

  • Kỷ niệm nào là đáng nhớ nhất với anh khi còn là học sinh Trường ISK?

Tôi vẫn nhớ như in mùi hương ngọt lịm toả ra từ những rẫy cà phê chìm trong làn sương sớm mờ ảo trên đường đến trường, vẫn nhớ vị bánh gối samosa và món khai vị bhajis của Cô Maini, vẫn nhớ tiếng bóng rổ nện vang vọng khắp cả phòng đa năng và vẫn chưa bỏ được thói quen lấy tay che thức ăn mỗi khi đi ngoài đường để diều hâu khỏi bay xuống gắp thức ăn trên tay. Tôi còn nhớ ngày ấy mình đã rất chăm chú lắng nghe Giáo sư Hinz giảng bài Sinh học (chính thầy đã tin rằng tôi có tố chất trở thành bác sĩ), rồi chất giọng đầy nội lực của Thầy Halverson trong những lớp học nhà gỗ xinh đẹp và những chuyến xe buýt dài đằng đẵng đượm buồn đưa chúng tôi trở về thành phố khiến chúng tôi nhớ mãi. Nhưng kỷ niệm sâu sắc nhất có lẽ chính là những đêm khuya ngồi tập dợt các vở kịch cùng với Thầy Pearson (Little Shop of Horrors, The Insect Play, The Boyfriend,…), người mà tôi mãi nhớ ơn vì đã chỉ dạy cho tôi những bài học quan trọng nhất trong cuộc sống, những kinh nghiệm đã đi theo tôi suốt cho đến tận bây giờ.

 

  • Chúc mừng anh vừa mới tạo lập thành công trang web nhiếp ảnh của mình! Nguồn cảm hứng nào đã đưa anh đến với dự án mang đậm đam mê thú vị này?

Những ngày tháng lớn lên ở Kenya thực sự đã đóng một vai trò khá lớn vào quyết định bắt đầu dự án này. Giống như biết bao đứa trẻ thuộc nền văn hoá thứ ba khác, tôi chắc chắn ai cũng sẽ hơi do dự khi được hỏi “Bạn đến từ đâu?” Vì vậy, trang web này chính là cách để chỉ cho mọi người thấy nơi tôi “đến từ” và đây cũng chính là cuốn nhật ký cuộc đời tôi. Những bức ảnh tôi chụp cùng những mẩu chuyện tôi viết đã thay tôi kể lại câu chuyện đời mình qua 6 châu lục và 45 quốc gia.

Ngoài ra, là con một, tôi luôn cảm thấy gánh nặng trách nhiệm và nghĩa vụ trao truyền lại lịch sử của tổ tiên và bản thân mình cho thế hệ sau. Tôi còn nhớ như in đã từng nghe kể những câu chuyện về di sản dòng tộc trong những bữa cơm gia đình, bản thân cố gắng ghi tất cả vào bộ nhớ và có lần đã rất giận khi chỉ tìm được vài ba tấm hình cũ kĩ rách nát của nhiều thế hệ đã đi qua. Tôi khao khát được thấy những gì họ đã thấy, được giúp họ kể những câu chuyện và làm chúng trở nên chân thật hơn, gợi cảm hơn. Kỉ niệm đó đã thôi thúc tôi ghi lại hình ảnh và cố gắng làm cho cuộc đời mình qua ống kính máy ảnh được sống mãi bằng chính những bức ảnh tôi tạo ra. Hy vọng rằng điều này có thể đưa các thế hệ tương lai xích lại gần tôi hơn. Chính khát vọng này đã khiến tôi quyết định đến lớp học nhiếp ảnh đầu tiên trong đời vào giữa thập niên 1990 ở Trường Đại học Tulane, New Orleans, nơi tôi đang theo học Dự bị Y khoa và Xã hội học.

Tôi trau dồi các kĩ năng và nhận ra một điều là mình có thể kể chuyện qua những bức ảnh, và cách này khá tuyệt để cho tôi, một người tự cho là hướng nội, có thể tương tác với người khác. Khám phá này đã cho tôi sức mạnh và làm tôi phấn chấn hẳn lên giống cái cảm giác của một con bạc khi quan sát quả bóng đang chạy trên bàn quay roulette.

Nhiếp ảnh là cuốn nhật ký chân thực về những gì tôi thấy, những khoảnh khắc tôi trải qua trong những chuyến chu du đến nhiều quốc gia khác nhau và đắm mình vào các nền văn hoá mới. Là một nhiếp ảnh gia đường phố, điều quan trọng đối với tôi là phải “bắt” được khoảnh khắc, cảm xúc – mà không hề thao túng hay điều khiển đối tượng hay bối cảnh. Tôi cố trở thành một con ruồi đậu trên tường và “chộp” được chính xác những gì mình quan sát. Cùng lúc đó, tôi cũng cố gắng chụp ảnh con người hoặc hiện tượng khác thường hoặc bình thường nhưng trong một diện mạo mới.

Đối với tôi, nghệ thuật nằm trong chính khoảnh khắc máy ảnh chụp được, không phải ở việc chỉnh sửa ảnh sau này. Photoshop đã làm cuộc cách mạng cho nghệ thuật nhiếp ảnh nhưng là một người theo chủ nghĩa thuần tuý, tôi tránh dùng các kĩ thuật hậu kỳ cho tác phẩm của mình. Những gì mọi người thấy là những gì tôi thấy, chân thực, nguyên gốc và thu được năng lượng từ chính khoảnh khắc ấy. Qua những bức ảnh của tôi, người xem có thể thấy và trải nghiệm các nền văn hoá khác nhau, đi đến những vùng đất xa xôi và cảm nhận những cảm xúc mà ống kính máy ảnh tôi kịp thời ghi lại được.

Tôi cho rằng không chỉ bức ảnh chụp mới là quan trọng mà tựa đề cũng quan trọng không kém. Tôi luôn tin rằng tựa đề giúp tạo thêm chiều sâu cho tấm ảnh. Thường thì tôi nghĩ ra tựa đề thậm chí trước khi chụp. Mỗi khi có thể, tôi luôn cố tìm cho bằng được những tựa đề khiến người xem nghĩ xa hơn tấm ảnh một bước.

When possible, I always strive to find a title that makes my viewer think one-step beyond the image.

Gần đây, tôi quyết định nghỉ, tạm thời không làm Bác sĩ Sản-Phụ khoa nữa để theo đuổi niềm đam mê nhiếp ảnh của mình. Từ năm 2014, tôi mới chính thức sống ở Việt Nam, nhưng trước đó từ năm 1995, khi bố mẹ tôi chuyển về đây sinh sống (và vẫn còn ở đây), tôi đã nhiều lần qua lại đây. Mẹ tôi là người Việt còn bố tôi sinh ra và lớn lên ở Chile trong một gia đình người Đức gốc Do Thái. Tôi trải qua thời niên thiếu ở Nairobi, Kenya, nhưng may mắn được sống ở khắp nơi trên thế giới như Cameroon, Tây Ban Nha, Puerto Rico, Chile và Hoa Kỳ.

  • Trước khi chia tay, anh có lời cuối muốn nhắn nhủ đến các bạn học sinh Trường ISK không?

Giờ đây, gần 30 năm đã trôi qua, trong thời đại phim màu thống lĩnh hoàn toàn, ngồi hồi tưởng về quãng thời gian tuyệt vời tôi đã trải qua ở ISK? Vâng. Tôi tin chắc ISK đã thay đổi rất nhiều (vườn cà phê chắc không còn nữa đâu nhỉ?!?!), nhưng kỷ niệm được nuôi dưỡng và dạy dỗ trong một môi trường như thế sẽ còn sống mãi. Nhiều người trong các bạn có thể sẽ về quê sau khi ra trường và lúc này sẽ cảm nhận hoàn toàn “khác” so với bạn bè đồng trang lứa với mình. Nhưng đừng lo, sự khác biệt này suy cho cùng cũng chỉ giúp các bạn theo chiều hướng tích cực, tạo cho các bạn nét độc đáo của riêng mình, các bạn sẽ trở thành những người thú vị hơn và sẵn sàng chinh phục thế giới hơn.

Tôi hy vọng khi xem qua những bức ảnh của tôi, đặc biệt là trong phần Châu Phi, các bạn, những ai đã từng có tình cảm đặc biệt dành cho Kenya, sẽ mỉm cười trong hoài niệm; còn những bạn còn đang theo học ở đây, tôi hy vọng ảnh tôi chụp sẽ làm các bạn trân quý những điều các bạn vẫn còn cơ hội trải nghiệm mỗi ngày.

Tôi mong là các bạn sẽ thích ngắm ảnh tôi chụp nhiều như tôi thích chụp chúng.

Một ngày là Sư Tử, suốt đời là Sư Tử.

Thân mến,

Aron

Đăng bởi 1 phản hồi

TẠP CHÍ D’ART DE SAIGON

Buổi vấn đáp gần đây với Mads Monsen từ Tạp chí D’Art De Saigon…

Anh có thể chia sẻ với độc giả một vài thông tin cơ bản về bản thân cũng như công việc hiện tại?

“CHÀNG NGỐC” - Bạn bè lâu nay vẫn thường gọi tôi như thế, nhưng thật lòng mà nói – tôi không hề để bụng. Mẹ tôi là người Việt còn bố tôi sinh ra và lớn lên ở Chile trong một gia đình người Đức. Tôi trải qua thời niên thiếu ở thủ đô Nairobi, Kenya, nhưng bản thân nhận thấy mình thật may mắn khi được sống ở nhiều nơi trên thế giới như Cameroon, Tây Ban Nha, Puerto Rico, Chile và Hoa Kỳ. Thật ra, sự giao thoa giữa các nền văn hoá khác nhau chưa từng khiến tôi có cảm giác biệt lập, xa lạ - nếu có đi chăng nữa thì điều đó cũng chỉ giúp tôi dễ dàng hoà nhập với những vùng đất tôi đã đặt chân đến, đồng thời thấm sâu vào lối sống và nghệ thuật của mình.

44 tuổi, tôi là bác sĩ Sản-Phụ Khoa đang công tác tại phòng khám Family Medical Practice và Bệnh viện Quốc tế Mỹ (American International Hospital).
Hiện tại, tôi đã sống ở Việt Nam được 5 năm, nhưng trước đó đã từng qua lại Việt Nam khá nhiều lần (lần đầu tiên là vào năm 1986), đặc biệt là từ khi bố mẹ tôi chuyển vào Sài Gòn sống vào năm 1995. Ngoài nhiếp ảnh ra, tôi còn đam mê du lịch, chơi
bóng đá với đội Saigon Raiders, đội bóng đá lâu đời nhất Sài Gòn dành cho người nước ngoài sống ở Việt Nam. Tôi cũng mới bắt đầu tập chơi trống “Handpan”, một loại nhạc cụ theo tôi biết là còn khá mới mẻ.

 Anh miêu tả thế nào về trang Instagram cá nhân của mình?

Trang Instagram là cuốn nhật ký chân thật ghi lại những điều tôi trải nghiệm hằng ngày, góp nhặt từ nhiều quốc gia/vùng đất tôi may mắn được viếng thăm và sinh sống. (@aron_schuftan_photography)

Là một “nhiếp ảnh gia đường phố”, tôi cho rằng điều quan trọng là phải “bắt” được những khoảnh khắc và cảm xúc – mà không cố gò bó hay gượng ép đối tượng hay bối cảnh. Tôi cố làm một “chú ruồi đậu trên tường” và chụp lấy chính xác những gì mắt mình thấy được, nhưng đồng thời cũng cố “bắt” được những đối tượng khác lạ hoặc rất đỗi quen thuộc nhưng theo một cách hoàn toàn mới.

Nghệ thuật nhiếp ảnh bắt đầu với anh như thế nào? Điều gì đã truyền cảm hứng cho anh làm nhiếp ảnh?

Từ khi còn bé, tôi đã bắt đầu chụp ảnh để lưu lại những chuyến đi của mình, nhưng chỉ khi vào đại học ở New Orleans và được bố tặng cho chiếc máy ảnh Zeiss Ikon của ông, tôi mới thật sự nghiêm túc bước vào nghệ thuật nhiếp ảnh…và cũng kể từ đó, tình yêu tôi dành cho nhiếp ảnh chớm nở.

Anh có đặc biệt yêu thích những yếu tố nào đó mà anh hay chọn để đưa vào ảnh của mình hay không?

Tôi thích tìm những chi tiết trùng lặp và sử dụng “khung hình” tự nhiên cho ảnh của mình. Tôi cũng cố sử dụng ống kính góc rộng và kết hợp các “đường chủ đạo” trong những bức ảnh. Tôi nhận thấy cả hai phương pháp đều rất tuyệt vời, góp phần thu hút người xem và lấy được bối cảnh xung quanh đối tượng – bản thân tôi tin là điều này sẽ tạo ra những câu chuyện hình ảnh sống động hơn.

Đối với tôi, không chỉ bức ảnh thôi mà tựa đề cũng khá quan trọng. Thường thì tôi thậm chí còn nghĩ ra tựa đề trước cả khi chụp ảnh – thực chất, chính tựa đề đã làm nên ảnh tôi chụp. Tôi cho rằng thói quen này xuất phát từ bức ảnh đầu tiên đã làm tôi “xúc động”. Đó là một bức ảnh trắng đen của Annie Leibowitz chụp một đôi bàn chân, có tựa đề là “Pele”. Bức ảnh mình nó có lẽ không mấy đặc biệt nhưng khi thêm tựa đề vào, cả một tầng nghĩa mới phát sinh – chân dung đôi bàn chân được cho là nổi tiếng nhất thế giới. Kể từ đó, tôi luôn cố tìm cho bằng được những tựa đề giúp người xem nghĩ sâu hơn về bức ảnh một bước.

nh có nghĩ truyền thông xã hội là một công cụ để truyền cảm hứng không, hay ngược lại?

Tôi nghĩ nó là một con dao hai lưỡi – đúng, sự lan truyền thông tin và hình ảnh tức thời với quy mô lớn có thể giúp tạo cảm hứng, nhưng đồng thời, tôi chắc chắn là một phần nào đó chúng ta đã đi quá giới hạn cho phép: truyền thông xã hội đã tạo mầm mống cho một thế hệ mới – hội những người yêu bản thân thái quá và hoàn toàn chỉ quan tâm đến bản thân mình – và nó cũng tạo ra danh tiếng (cũng là bệ phóng) cho những kẻ thích pha trò lố lăng cũng như những người thiếu năng lực thực thụ. Ý tôi là, thực sự chúng ta có quan tâm Kim Kardashian đã ăn gì vào bữa sáng không? Nhưng có lẽ mọi người hỏi sai người rồi; tôi đâu phải là một fan cuồng của mạng xã hội. Nhưng chính nhờ truyền thông xã hội mà tôi được có mặt trong bài báo này, nên dù sao thì không phải lúc nào nó cũng chỉ có mặt xấu, phải không nào 🙂?

Trang Instagram của anh nhắm đến đối tượng nào?

Phần lớn là hướng đến gia đình và bạn bè, nhưng tôi thừa nhận là mình cũng thích có được những lượt “like” từ những người xa lạ ở khắp nơi trên thế giới.

Anh hy vọng người xem sẽ thu được gì từ các tác phẩm nghệ thuật của mình?

Tôi hy vọng những bức ảnh của mình sẽ giúp người xem nhìn thấy và trải nghiệm những vùng đất mới, nền văn hoá mới và đọng lại một cảm xúc nào đó. Khát khao này thôi thúc tôi ghi lại những khoảnh khắc có thể khiến người xem thấy khó chịu (chẳng hạn như chuỗi các bức ảnh chụp tại một khu chợ thịt cầy ở Hà Nội). Nhưng thật lòng, tôi luôn coi trọng cả những lời tán dương tích cực lẫn phê bình tiêu cực. Đối với tôi, việc tạo ra những tấm ảnh gây cảm xúc mạnh mẽ nơi người xem (dù tốt hay xấu) chính là điều mà tôi, một người làm nghệ thuật, luôn phấn đấu đạt được.

Instagram có tạo ra thử thách gì cho anh?

Không chỉ liên quan đến riêng Instagram mà còn cả truyền thông xã hội nói chung: rất khó để được biết đến như một người nghệ sĩ cũng như được đánh giá cao đối với các tác phẩm nghệ thuật của mình. Ngày nay, AI AI cũng là một nhiếp ảnh gia và khoảng chú ý của mọi người dần thu hẹp lại. Không những thế, do sự ra đời của Photoshop, bản chất của nhiếp ảnh cũng thay đổi theo – bây giờ có “bắt” được những khoảnh khắc một cách tài tình đến thế nào đi chăng nữa cũng không còn quan trọng, mà quan trọng là phải giỏi thiết kế đồ hoạ. Vài người bảo rằng photoshop chính là “sự tiến hoá của nghệ thuật nhiếp ảnh”, hay “đó là việc chúng ta thường làm trong phòng tối”. Nhưng đối với tôi, một người theo chủ nghĩa thuần tuý, tôi cố không dùng tới các kỹ thuật hậu kỳ cho các tác phẩm của mình (không cắt ảnh, không chỉnh sửa ảnh). Tôi vẫn luôn tin rằng nghệ thuật nằm ngay ở khoảnh khắc chụp được chứ không đợi tới sau đó trước màn hình máy tính. Những gì người xem nhìn thấy chính là những gì mắt tôi nhìn thấy ngay lúc tôi quan sát đối tượng. Nhưng cũng vì đây là sở thích của bản thân nên tôi có quyền quyết định như thế, chứ thật ra tôi hoàn toàn hiểu (và cảm thông) cho những người bạn cũng làm nhiếp ảnh chuyên nghiệp khi khách hàng đòi hỏi phải có được những bức ảnh hoàn hảo mà không hề quan tâm đó có phải là những bức chụp đẹp ngay từ lần đầu tiên bấm máy hay là sau khi đã trải qua 10 giờ mài giũa trên máy tính.

So với điểm xuất phát, phong cách của anh có phát triển nhiều không và phát triển như thế nào?

Khi nhìn lại các tấm ảnh đã chụp, tôi có thể thấy những giai đoạn mình đã đi qua: Trừu tượng, kiến trúc, thời trang, thiên nhiên – vì chỉ làm nhiếp ảnh như một thú vui, một sở thích nên tôi có thể tự do chụp ảnh bất kì đối tượng nào tuỳ thích. Nhưng tôi nhận ra rằng hiện tại nguồn cảm hứng lớn của mình chính là con người Việt Nam. Tôi chụp phần nhiều là trẻ em và người già. Sự “ngây thơ” của trẻ em và “trí tuệ” của người già là những chủ đề hết sức thú vị. Khi chụp ảnh, dù là đối tượng nào, tôi cũng cố kết hợp các yếu tố thị giác vào ảnh của mình nhằm mục đích kể chuyện chứ không chỉ cho “đẹp” mà thôi.

Anh có thể đề xuất một vài tài khoản Instagram yêu thích để mọi người cùng theo dõi?

Tôi thích Instagram của National Geographic (thực ra tôi khá ganh tị với tài khoản này). Ước mơ của tôi là được hợp tác với họ (nếu có ai đó giới thiệu, tôi sẽ vô cùng cảm kích!). Ngoài ra, tôi cũng là fan ruột của Justin Mott (@askmott), anh bạn từng là đối thủ/giám khảo của tôi trong “Photo Face-Off” – chương trình truyền hình thực tế về nhiếp ảnh trên kênh History mà tôi đã rất may mắn khi trở thành một trong những người chơi.

Điều gì đang được kì vọng ở trang Instagram của anh trong tương lai?

Hy vọng tôi sẽ duy trì được những gì mình đã làm được, nhưng ảnh sẽ đẹp và chất lượng hơn…

AronSchuftanPhotography #NationalGeographic #Nhiepanhduongpho #Dulich #Congdantoancau

Đăng bởi Để lại phản hồi

XIN CẢM ƠN!

Chào mừng đến với trang web của tôi. Cảm ơn các bạn rất nhiều vì đã dành thời gian xem qua trang web này. Suốt 10-15 năm qua, tôi đã luôn mơ ước lập một trang web “thực sự” nhưng tiếc thay, tôi chưa đủ quyết tâm. Mục tiêu năm mới 2019 của tôi là biến ước mơ đó thành hiện thực, và mặc dù chần chừ đến tận cuối năm, cuối cùng tôi cũng làm được.

Tôi đam mê chụp ảnh từ khi mình bắt đầu biết nhớ và bằng một cách nào đó, từ thời thơ ấu, trong lòng tôi đã luôn nghĩ nhiếp ảnh là việc mà tôi được sinh ra để làm. Tình yêu dành cho nhiếp ảnh và quyết tâm gắn bó với nghệ thuật này lớn đến mức vào tháng 09 năm 2019 tôi quyết định tạm nghỉ (đổi nghề?) không làm bác sĩ một thời gian để tập trung toàn lực vào sự nghiệp nghiếp ảnh của mình. Không hề biết là con đường này sẽ đưa tôi về đâu, nhưng tôi rất trông đợi vào những thử thách phía trước.

Tôi muốn lập trang web này vì hai lý do. Trước tiên, tôi muốn chia sẻ những tấm hình của mình một cách đàng hoàng hơn với tất cả mọi người. Trên thực tế, tôi đã chụp và phân loại hàng ngàn bức ảnh từ khi tôi bắt đầu đi vào con đường chụp ảnh chuyên nghiệp. Cho đến bây giờ, chưa ai từng thấy chúng. Trang web này sẽ là nơi tôi có thể chính thức bán những tác phẩm của mình cho những ai đã hỏi mua suốt nhiều năm qua. Thứ hai, tôi muốn tạo ra một không gian giống như một cuốn nhật ký để ghi chép lại cuộc đời mình, đặc biệt là những chuyến đi. Càng lớn lên, tôi càng cảm thấy gánh nặng là con một đè lên vai tôi ngày một nhiều. Những gì tôi không chia sẻ đang chết dần với tôi. Nghe có vẻ hơi tiêu cực nhưng sự thật là vậy. Với một di sản văn hoá đồ sộ của cá nhân và gia đình, tôi nhất định không được để điều đó xảy ra. Theo đúng nghĩa đó, những gì các bạn thấy và đọc ở trang này đều mang tính chủ quan và rất gần gũi với tôi. Tôi không mong đợi sẽ gây được ấn tượng tốt với tất cả mọi người, nhưng những ai đã biết tôi hoặc muốn biết thêm về tôi nhất định sẽ quan tâm.

Sẽ mang nặng nợ nếu tôi không liệt kê danh sách rất nhiều người đã góp phần vào sự trưởng thành của tôi, cả khi tôi là một nhiếp ảnh hay một người bình thường. Xin cho phép tôi được làm điều đó dưới đây, ngay bây giờ.

Đầu tiên và quan trọng nhất, tôi muốn gửi lời cảm ơn đến mẹ Aviva và bố Claudio (Mami và Papi). Họ luôn luôn ủng hộ tôi từ khi tôi đến với nhiếp ảnh chỉ như một sở thích và thậm chí còn vun đắp cho sở thích ấy ngay từ những ngày đầu, bằng chứng là bố tặng tôi chiếc máy ảnh Zeiss Ikon cổ ông được tặng nhân lễ trưởng thành Bar Mitvzah năm ông 13 tuổi. Tôi cũng bày tỏ lòng biết ơn không chỉ vì bố đã bỏ ra không biết bao nhiêu giờ lái máy xe chở tôi đi dạo khắp nơi để cho tôi chụp hình xóm làng xung quanh, mà còn vì bố (và mẹ) đã dành rất nhiều thì giờ ngắm qua hàng ngàn bức ảnh và những cuộn phim cũ để cho tôi những lời góp ý chân thành.

Xin cảm ơn người thầy đầu tiên của tôi, nhiếp ảnh gia nổi tiếng Trọng Thanh.Ông ấy đã dìa dắt tôi từ khi tôi còn trẻ, còn bỡ ngỡ bước đầu theo học loại hình nghệ thuật mới này. Mặc dù không nói chung một ngôn ngữ, nhưng chúng tôi giao tiếp với nhau qua những tấm ảnh chụp chung và sự dạy dỗ bảo ban của ông đã cho tôi nhiều bài học còn vang vọng mãi trong tôi mỗi lần tôi cầm máy ảnh lên dù 30 năm đã trôi qua.

Tôi xin cảm ơn Etienne Bossot từ Pics of Asiađã giúp mài giũa, chau chuốt những kĩ năng tôi học được từ trước đó đồng thời đưa tay nghề nhiếp ảnh của tôi lên một tầm cao mới, đặc biệt trong suốt chuyến du lịch ảnh 10 ngày gần đây đến Bangladesh. Anh dạy tôi phải biết “đuổi bắt ánh sáng” và “tách lớp”!

Nico Greeve, bạn thân của tôi, người bảo rằng tôi có tài năng nhưng “cậu cần phải làm một cái gì đó với nó”, nhờ đó mà cuối cùng tôi mới ngưng không nói về việc lập một trang web trong mơ nữa, thay vào đó bắt tay vào làm liền. Cảm ơn cậu vì những lời khuyên và nguồn năng lượng cậu trao cho tôi.

Cảm ơn Gregory Beale và Mike Gebremedhin, hảo bằng hữu, dù tất bật với cuộc sống gia đình, vẫn luôn dành thời gian trả lời tất tần tật những câu hỏi bất tận của tôi về chi tiết máy ảnh. Cả hai anh đều đúng: ống kính tiêu cự cố định sẽ tốt hơn…

Cảm ơn Lee StarnesFred Wissink, và Quinn Mattingly-những người bạn nhiếp ảnh ở Việt Nam, cảm ơn vì tất cả lời khuyên của các bạn cũng như câu các bạn hay hỏi “Làm thế quái nào để máy ảnh mới của tôi ra được như vậy?”

Cảm ơn Mads Monsen, thật tuyệt khi cuối cùng cũng gặp được anh ở Hà Nội và cảm ơn vì đã giúp định hướng cho trang web của tôi.

Cảm ơn Justin Mott“ bạn diễn” trong chương trình “Photo-Face Off”, Kênh Lịch sử (History Channel), cảm ơn vì đã cho tôi một trải nghiệm vui, thật tuyệt vời và đã cho tôi biết đại khái làm một nhiếp ảnh gia nổi tiếng là như thế nào.

Tôi cũng chân thành cảm ơn Rachel Menell và Ron Tan, những người bạn lâu năm nhất của tôi, vì đã luôn ủng hộ tôi, làm nguồn cảm hứng cho tôi ngay từ những ngày đầu.

Lagan Gill, Hugh Mellert và Diana Rodriguez, những bậc thầy về tựa đề, cảm ơn các bạn rất nhiều; những đóng góp của các bạn thật sự rất giá trị!

@sara_jjil, @jennyluu và @nyala_tours, những người ủng hộ tôi nhiều nhất trên Instagram, cảm ơn các bạn vì rất nhiều lượt “thích”.

Gửi tới Erik Hutchins và Anna Protasova, cảm ơn hai bạn vì đã luôn động viên, khích lệ tôi trong suốt những năm qua. Điều này thực sự đã tạo nên khác biệt và thúc dục tôi tiếp tục chia sẻ.

Xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến hai biên tập của tôi, Tiên Nguyễn và Rivka Lomarda, dù tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, hai bạn nói và viết tốt hơn tôi nhiều.

Cảm ơn Mai Lam thời điểm này chỉ là một người bạn mới quen, nhưng năng lượng sáng tạo và cảm hứng của chị có sức lan truyền mãnh liệt, giúp tôi hoàn thành dự án đến cùng.

• Chân thành cảm ơn gia đình người bạn Nê-pan đã cho tôi, một người hoàn toàn xa lạ, tá túc và đối xử với tôi hết sức tử tế và tràn đầy yêu thương. Mãi nhớ mọi người.

Cảm ơn lòng mến khách của Abhishek Kakran ở New Delhi. Ấn tượng đó mãi khắc sâu trong tôi. Hy vọng một ngày nào đó tôi sẽ có dịp quay lại để đền đáp ân tình.

Cảm ơn Rehan, dù chưa bao giờ gặp mặt trực tiếp nhưng tôi đã luôn ngưỡng mộ những tác phẩm của anh từ xa. Cảm ơn vì đã tạo cảm hứng cho tôi ở Việt Nam, anh đã biến nhiếp ảnh trở thành một “nghệ thuật” và cho tôi một hình mẫu để tôi theo đuổi giấc mơ của mình, đồng thời anh cũng làm mẫu cho tôi biết cách vận hành loại hoạt động phức tạp này.

Và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là Ste Bell, người thiết kế trang web và cũng là bạn tôi. Cảm ơn vì đã giúp tôi xử lý và hoàn thành dự án lớn này, một nỗ lực hợp tác không hề nhỏ mà lúc đầu có lẽ cả hai đều đánh giá thấp. Cảm ơn tình yêu chân thành và niềm tin vào nghệ thuật của anh dành cho tôi. Cảm ơn vì đã giúp tôi thực hiện giấc mơ của mình. Tôi mãi mãi biết ơn vì tất cả thời gian, công sức và sự kiên nhẫn của anh.

Tất nhiên là còn nhiều người nữa mà tôi chưa kể ra hết; tôi chân thành xin lỗi. Các bạn biết các bạn là ai rồi đó và chỉ cần biết một điều là tôi luôn biết ơn tất cả các bạn vì những gì các bạn đã làm cho tôi.

Aron

Đăng bởi 3 phản hồi

Dan

Dan Eldon là một người bạn của tôi. Hai chúng tôi học chung trung học ở Trường Quốc tế Kenya trong những năm 1980-1990. Ngay từ khi còn nhỏ, tài năng sáng tạo của Dan đã được thể hiện rõ. Sau khi tốt nghiệp, Dan trở thành một nhiếp ảnh gia chiến tranh ở Somalia cho Hãng tin Reuters và tại đây, anh bị bắt và giết chết khi đang tác nghiệp vào ngày 12 tháng 07 năm 1993 khi mới 22 tuổi. Anh là người đầu tiên tôi biết mà đã qua đời. Nghệ thuật nhiếp ảnh của anh đã lay động và truyền cảm hứng cho tôi, cũng là một trong những lý do chính tại sao tôi lại trở thành một người nhiếp ảnh như ngày nay. Tôi nhớ anh, Dan ạ…

 

https://en.wikipedia.org/wiki/Dan_Eldon

Đăng bởi Để lại phản hồi

Tựa Đề

Đối với tôi, với tư cách là một người làm nghệ thuật, không chỉ bức ảnh chụp mới là quan trọng mà tựa đề cũng quan trọng không kém. Tôi luôn tin rằng tựa đề giúp tạo thêm chiều sâu cho tấm ảnh. Thường thì tôi nghĩ ra tựa đề thậm chí trước khi chụp – căn bản là tựa đề làm nên hình ảnh tôi chụp. Tôi nghĩ là điều này bắt nguồn từ tấm hình đầu tiên đã làm tôi “xúc động”.

 

Đó là một bức ảnh giản dị chụp bàn chân người của Annie Leibovitz và có tựa đề “Pele’s feet” (“Đôi chân Pele”). Riêng tấm ảnh thôi thì có lẽ không có gì đặc biệt nhưng nhờ thêm tựa đề vào mà cả một tầng nghĩa hoàn toàn mới nảy sinh - chân dung một trong những đôi chân nổi tiếng nhất thế giới. Từ đó trở đi, tôi luôn cố tìm cho bằng được những tựa đề khiến người xem nghĩ xa hơn tấm ảnh một bước.

Đăng bởi 2 phản hồi

Một mình trải nghiệm khoá tu thiền tịnh khẩu 7 ngày …

Cuối năm 2014, tôi đi du lịch qua Nê-pan một tháng. Chuyến đi đã trở thành một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất đời tôiNhấp vào để xem ảnhMột phần của cuộc hành trình chính là khoá tu thiền tịnh khẩu 7 ngày. Mời mọi người đọc thêm về trải nghiệm ở bên dưới.

 

Một mình trải nghiệm khoá tu thiền tịnh khẩu 7 ngày …

“Đây sẽ là phòng của thí chủ trong vòng 7 ngày tới. Thí chủ vui lòng giữ phòng gọn gàng, ngăn nắp và tuân thủ quy định giữ yên lặng trong suốt thời gian ở đây. Ngoài ra, thí chủ cũng không được nghe nhạc, không giải trí, tình dục, nối dối, ăn cắp hoặc bỏ về giữa chừng. Chúc thí chủ an lạc!”

Sau khi nói xong, vị tăng (ni?) dáng người tròn trịa quay đi, để lại tôi cùng với mùi gỗ đàn hương còn phảng phất trong căn phòng đơn sơ, thiếu ánh sáng và không có gì đặc biệt. Ba chiếc giường, một nhà vệ sinh, không có gì xa hoa, nhưng như vậy cũng đủ gọi là năm sao so với những nơi tôi đã tá túc suốt cả tháng qua. Một trần giường bằng gỗ với một chiếc nệm cứng dày 2 inch (khoảng 5 cm) và một chiếc chăn cũ đặt trên giường đầy mời gọi, cùng với một cái kệ kê sát bên làm nơi để hành lý.

Tôi hít một hơi thật sâu, cố gắng chịu đựng, quên để ý là còn một người nữa đang ở trong phòng. Anh ta nhìn về phía tôi, như thể muốn nói là “CHẠY ĐI”, nhưng thay vào đó anh khẽ gật đầu rồi tiếp tục nhìn chằm vào vách tường. Đó là lần tương tác duy nhất và cũng là cuối cùng của tôi với bạn cùng phòng, đồng thời cũng là lần cuối tôi tương tác bằng mắt với bất kì ai trong suốt 7 ngày còn lại.

Tôi đến Trung tâm Thiền Panditarama ở Lâm Tỳ Ni (Lumbini) sau khi gặp 2 du khách trong hành trình một tháng xuyên Nê-pan. Họ nói khoá tu đã làm thay đổi cuộc đời họ và tôi nghĩ tôi cũng sẽ tìm được ý nghĩa cuộc đời mình, trở thành một hiệp sĩ Jedi hoặc ít nhất là học được cách cải thiện hoặc có thể tìm ra một công thức mới cho món lasagna chay. Lâm Tỳ Ni cách biên giới Ấn Độ khoảng 45 phút và là một nơi linh thiêng vì đây chính là nơi Đức Phật đản sanh (vâng, vị Phật ĐÓ). Thực ra, tu viện nơi tôi đang ở cách CHỖ Ngài thực sự sinh ra không xa (hòn đá đó có thể nhìn thấy qua tấm kính chống đạn).

Tất cả những gì người ta bảo tôi làm cho đến thời điểm này là một ngày tôi phải thiền 16 tiếng, luân phiên giữa thiền đi và thiền ngồi. Thức dậy lúc 4 giờ sáng – ăn sáng lúc 7 giờ, ăn trưa lúc 11 giờ, “uống nước ép” lúc 7 giờ tối và 10 giờ lên giường ngủ. Từ trước giờ, kinh nghiệm thiền định của tôi chỉ vỏn vẹn 3 phút yên lặng hít thở (với nỗ lực ngồi xếp chân bán già theo “phong cách Ấn Độ”) trước mỗi bài thi hồi còn học ở trường y. Vâng, tôi là người mới 100%.

Sau khi “lấy hành lý” ra (3 chiếc áo thun và 2 cái quần – dường như gọi là “hành lý” thì hơi quá), tôi tản bộ ra ngoài, nhìn lên, tôi đứng lặng người như chết điếng. Tôi không biết lúc này mình nên chạy, nên cười hay nên khóc. XÁC SỐNG! XÁC SỐNG KHẮP NƠI! Những dáng người im lặng nối đuôi nhau thành hàng dài, di chuyển hết sức chậm rãi, mắt vô hồn nhìn vào vô định.

Các bạn thấy đấy, tôi đã không nhận ra đây là một trung tâm thiền Vipassana (Vipassana là pháp môn thiền CHÁNH NIỆM). Giới luật quy định là chính nhờ “chánh niệm” trong từng hành động mà người ta thanh lọc được thân, tâm và linh hồn và sau đó đạt tới “giác ngộ”.
More clearly, what being MINDFUL means in the case of Panditarama is that yogis are instructed to be consciously and CONSTANTLY thinking  of EVERY movement while  walking  and EVERY inhalation and exhalation when in sitting meditation -from the moment your eyes open in the morning till the moment you close them at night. EVERYDAY.

Cụ thể hơn, theo Panditarama, CHÁNH NIỆM nghĩa là các hành giả yogi được hướng dẫn luôn luôn tỉnh thức và LIÊN TỤC suy nghĩ về MỌI nhất cử nhất động trong khi đi thiền và MỌI hơi thở vào hơi thở ra khi ngồi thiền – từ giây phút mở mắt ra vào sáng sớm cho tới giây phút khép mắt lại vào ban đêm. NGÀY NÀO CŨNG VẬY.

Thực ra, vì phải tập trung vào những nhiệm vụ này, bạn sẽ lơ đi “MỌI” suy nghĩ hoặc tác nhân kích thích khác và “CHỈ TẬP TRUNG” vào bước chân và hơi thở mà thôi. Ví dụ như: ĐỪNG nghĩ về một quả táo. Không làm được đúng không? Bây giờ, đừng nghĩ về BẤT CỨ CÁI GÌ HAY ĐIỀU GÌ CẢ…Trong một TUẦN!

Mỗi bước chân tôi đi sẽ được chia làm 3 phần nhỏ: nhấc chân lên, đưa chân về phía trước và đặt chân xuống. Mỗi một giai đoạn phải được ý thức nhận biết, cảm nhận và phân tích thật chi tiết: cảm nhận mỗi cơ bắp đang chuyển động; cảm nhận áp lực tác động lên mỗi phần của bàn chân; những cảm giác; nhiệt độ; mỗi nơ-ron cảm giác. Do vậy mà, thay phiên nhau, MỖI BƯỚC CHÂN kéo dài từ 3-4 giây. Mắt phải nhìn về hướng bàn chân và không được nhìn dáo dác xung quanh (vậy thì tại sao họ lại bỏ nhiều tiền ra xây dựng một nơi đẹp thế này cơ chứ?). Các bạn tưởng tượng ra được mà, đúng không?

Tôi đi vào hàng và bắt đầu những bước đi như xác sống cùng với bao người khác. Tôi cảm thấy ai đó đang đánh giá tôi đằng sau cặp mắt tĩnh lặng chẳng khác gì Andy Dufrain trong phim “Shawshank Redemption” (“Nhà tù Shawshank”). Liệu tôi có trở thành “chú cá” mới đầu tiên bỏ cuộc?

Chân phải Lên…về phía trước…xuống. Lực đang đè lên gót chân. Cong mắt cá. Chân trái Lên…về phía trước…xuống. Kích hoạt cơ bắp chân. Cong ngón chân cái.

Chân phải Lên…về phía trước…xuống. Cong mắt cá chân. Dãn đầu gối ra.

Chân trái Lên…về phía truo…Ồ, phải nhớ xác nhận vé và…DỪNG LẠI!

Chân phải Lên…về phía trước…xuống.

Nhìn kìa! SÓC! Ha ha! Phim đó hay lắm! Giờ đang ra phim nào nhỉ?...YÊN NÀO!

Chân trái Lên…về phía trước…xuống.

Ngứa mũi quá – ARON!

Chân phải Lên…về phía trước…xuống.

Lần nữa…Và lần nữa…Và lại một lần nữa…

Điều mà tôi nhanh chóng nhận ra và vì vậy rất buồn là, không có những xao nhãng của cuộc sống thường ngày, tâm tôi là một người kể chuyện liên tục bị quấy rối – bị tăng động (ADHD) – và mang hội chứng lo âu chia tách. VÀ NÓ KHÔNG BAO GIỜ CHỊU YÊN LẶNG! Dù tôi có cố làm cho tâm mình yên lại bao nhiêu lần, dù cho tôi có van xin bao nhiêu lần đi chăng nữa thì tâm tôi vẫn không ngừng chuyền cành. Không dừng lại – trong nhiều ngày. Đây quả thật là một cuộc chiến tâm lý dai dẳng và nó làm tôi “KIỆT SỨC”!

Tôi lê chân bước tới khu vực ngồi thiền và ngồi đại vào “một chỗ”. Căn phòng hầu như không có gì đặc biệt để miêu tả chỉ vỏn vẹn một bức tượng Phật cao 3 foot (khoảng gần 1 mét) (thành thật mà nói trông giống hệt như các bức tượng bày bán ở bất cứ cửa hàng bán đồ trang trí nào của Hãng Costco – gian số 5). Trên mỗi vị trí ngồi có một cái mùng chống muỗi cá nhân, làm cho khung cảnh chẳng khác gì một cảnh trong phim “The Matrix” (“Ma Trận”). Không nói nhau lời nào, chúng tôi tự kiếm chỗ ngồi cho mình (thực ra tôi đã ngồi nhầm vào chỗ của người khác trong thời khoá đầu tiên mà không hề hay biết (một cách để làm quen “bạn mới”!)) và bắt đầu ngồi thiền – bây giờ là tập trung vào hơi thở.

Vàooooooo…..Raaaaaa…….

Vàoooo…..Raaaaa…….

Vàooo…Chán quá…..Raaaaa

Vàoooooo…trưa nay ăn gì nhỉ….Raaaaaaa…….

Vàooo…Trời ơi! Thèm bít tết quá đi mất!...DỪNG LẠI COI!!! Raaaaaa….

Và cứ lặp lại như thế. Cuộc chiến gây loạn tâm thần trong tâm tôi cứ lặp đi lặp lại…và liên tục như thế.

Và sau đó là tới những cơn đau. Đầu tiên là đau cổ vì nhìn chằm chằm liên tục xuống dưới chân (Trời, tôi muốn cắt móng chân!), rồi tới đau lưng (giữ im một dáng đi làm căng nhiều nhóm cơ ít sử dụng khác nhau) và kinh khủng nhất là chân tôi bắt đầu tê cứng. Điều khó ở đây là: trong thiền Vipassana, hành giả phải chịu đựng những cơn đau. Bởi vì đời là bể khổ (theo lời Đức Phật), chúng ta phải nhận ra khổ đau, hiểu “bản chất” của khổ đau (?!?) và mặc kệ nó. Nhúc nhích, cựa quậy là biểu hiện cho sự yếu đuối (nếu làm thế, trong không gian yên lặng như tờ, mọi người có thể nghe thấy rõ) và đời nào tôi lại làm “con cá” đó. Ôi, đau đớn làm sao! Sau nhiều thời khoá kéo dài hàng giờ, nếu các xác sống biết tính tôi hay nói hài hước và kéo cái chân đã chết tê của tôi ra sau lưng thì chắc là họ đã giấu nó quá hay rồi (Ồ, tôi thấy sự châm biếm trên thật hài hước vì giờ trông tôi thậm chí còn giống xác sống hơn cả bọn họ).

Chung quy là thức ăn ở đây khá ngon. Bữa sáng là ngũ cốc muesli, sữa chua và táo; bánh mì nhà làm ăn kèm phô-mai, bơ đậu phộng và mứt. Bữa trưa gồm nhiều món có rau củ, món nào cũng ngon và rất nhiều (và được trồng ngay trong khuôn viên tu viện). Nước ép hoa quả - nghe kĩ này – nước cam Tang pha nóng…(Không phải người ta đã ngừng sản xuất nước cam Tang sau các sứ mệnh Apollo rồi sao??!)…Và một ít kẹo cứng.

Đúng 5 giờ rưỡi chiều, sư thầy (người Đức, nhưng lớn lên ở Kenya!) sẽ có một bài pháp thoại – bài thuyết giảng về lời Phật dạy. Ngày đầu tiên ở đây, tôi đã nhận ra tôi là một Hướng đạo sinh nam trong một trại quân đội Mũi nồi xanh; đồng thời cũng nhận ra rằng tôi đã “chạy trước khi đi” khi đăng ký vào khoá tu thiền nâng cao. Bạn bè xác sống của tôi ai nấy đều là học giả Phật giáo! Ý tôi là lẽ ra tôi nên đoán được ngay từ dáng ngồi thẳng điềm nhiên thật hoàn hảo lúc họ ngồi thiền và từ cái cách họ thực hiện dáng đi xác sống hoàn hảo đó. Nhưng đến khi nghe sư thuyết pháp thì tôi mới vỡ lẽ ra là tôi CHẲNG BẰNG một góc họ.

Ý tôi không hẳn là vậy. Tôi đã từng nghe về Phật – một điều gì đó về con đường trung đạo và sờ bụng Ngài sẽ mang lại may mắn. Tôi thậm chí còn biết Phật trông thế nào ấy chứ (Ngài là người đàn ông luôn ngồi sát bên chú mèo bằng nhựa vẫy tay chào khách trong các quán ăn Tàu. Nhưng những người này thậm chí còn biết Ngài ấy thích màu gì! (Xanh lá dứa) Thật đáng buồn khi nhận ra mình là người ngu nhất phòng (buồn hơn nữa là đây không phải lần đầu tiên tôi nhận ra điều đó)).

Tôi ngồi RÁNG nghe vị sư thầy nói bằng giọng thì thào kì bí đến nỗi âm thanh một đốt trĩ nhú lên từ một con chuột cũng dễ dàng lấn át. Suốt hai ngày đầu, tôi nghĩ là sư thầy bị cà lăm nhưng sau đó nhận ra rằng ông ấy đang nói bằng tiếng Sanskrit cổ - tiếng “Pali” – ngôn ngữ có những từ dài 32 chữ cái, một nửa trong số đó là “ps”.

Làn sương mù buổi sáng sớm mang theo tiếng cồng chiêng và âm thanh ca tụng cổ xưa từ hơn chục ngôi đền chùa xung quanh. Những âm thanh này thực sự khá mê hoặc, nhưng dĩ nhiên, phải chặn chúng lại và quay về tập trung vào bài thực hành của mình.

Lên…về phía trước…xuống

Lên…về phía trước…xuống

Vàooooooo……raaaaaa……..

Vàooooooo……raaaaaa……..

Qua được mấy ngày đầu, tôi bắt đầu đánh giá người mới, hả hê rằng mình còn ở đây ít ngày hơn họ và cá trong đầu con cá nào sẽ không vượt qua được. Nhưng tôi biết kiểu suy nghĩ tiêu cực như vậy đang trào lên là do tôi đang nản chí. Sự cô đơn tuyệt đối – không được nói chuyện thậm chí với tâm của mình – đang dần chiếm lấy tôi hoàn toàn. Tôi đã nhận được “thư hăm doạ” từ Mafia Thiền rồi. Một lá thư phàn nàn về việc tôi mặc quần áo “quá ồn ào” và một lá khác (khá nhỏ mọn hay là tôi nhạy cảm quá mức chăng?) là về việc tôi dùng quá nhiều gối khi hành thiền ngồi. (Phân tích pháp lý sâu hơn rút ngắn lá thư cuối cùng chỉ còn Bà Lesley L., 69 tuổi, tu 84 ngày. Đối chiếu chéo thì nét chữ của lá thư “nặc danh” và nét chữ trong cuốn sổ điểm danh có cùng một địa chỉ hộp thư cá nhân ở Ohio – đoán xem ai sẽ nhận được phân chó trong hộp thư mùa Giáng Sinh nào...)

Mọi người xung quanh tôi đều tỏ ra vẻ sung đạo hơn tôi và dường như ai cũng đều có được rất nhiều lợi lạc từ việc hít thở và đi bộ. Tất cả những gì tôi thu được chỉ là những cơn đau và sự bực tức vì không tài nào tĩnh tâm được. Tôi tự hỏi liệu tôi có thuộc về nơi này hay không và liệu, nói thẳng ra, tôi có đang thu được gì từ khoá tu không nữa. Tất cả những gì tôi muốn làm là nhấc chân “Lên…về phía trước…xuống” tiến thẳng ra tới cổng chính và la lớn “KHÔNG THỂ CHẠM VÀO ĐÂU!” hết sức có thể rồi nhảy điệu “Running Man” xuống phố.

Trong một khoảnh khắc yếu lòng (tuyệt vọng?), vào một đêm không mây (ngày thứ 3), tôi nhìn lên bầu trời và cầu xin một dấu hiệu cho thấy rằng tôi đang đi trên con đường đúng, rằng tôi phải ở đây, và thề có Phật làm chứng, một ngôi sao băng vụt qua bầu trời ngay thời khắc đó (sau đó tôi liền ước thấy được Sofia Vergara và một khẩu súng Red Rider BB). Đó chính là dấu hiệu (hay một sự trùng hợp) cho thấy rằng tôi không được bỏ cuộc, rằng tôi phải tiếp tục.

Ngày hôm sau, tôi bị một con khỉ nhảy lên người (&HỐN thật!), như thể để nhắc tôi không được nhìn quanh quẩn nữa và phải nhìn xuống chân, lúc này tôi thấy một con đỉa đang hút máu tôi cho bữa trưa, nhưng tôi không hề nao núng vì giờ tôi đang mang sứ mệnh phải hoàn thành nhiệm vụ đến cùng.

Từng ngày CHẬM RÃI trôi qua, tôi nhận ra nhiều người ở đây đã trải qua những sang chấn lớn trong cuộc sống và thậm chí mắc bệnh nan y. Một số tu 6 tháng và nhiều người đã từng tu trước đây, giờ quay lại. Phát hiện này giúp tôi mở mang được nhiều điều và khiến tôi hết cảm giác mình thật “ngu” và cũng có thái độ nghiêm túc hơn (đồng thời tha thứ cho Bà Lesley). Chính lúc này tôi mới có thể chú ý và tập trung sâu hơn để cuối cùng nhận ra rằng: MỌI THỨ xung quanh mình chỉ là “tiếng ồn”, là những xao nhãng của tâm tỉnh thức. Những nhân tố kích thích từ bên ngoài này ngăn không cho chúng ta tiếp xúc được với “HIỆN TẠI” trong giây phút này. Thực hành Vipassana nghĩa là mài dũa kĩ năng chú ý, tập trung và chấp nhận rằng đời là bể khổ. Chỉ qua những lần thực tập này con người ta mới có thể nhìn xuyên qua “tiếng ồn” và nhìn thấy bản chất thực sự của vạn vật, cuối cùng đạt được Giác ngộ.

Như vậy đã đủ thay đổi đời tôi chưa? Chà, cái đó thì tôi chưa thấy. Nhưng bây giờ, không khí dường như trở nên ngọt dịu hơn một chút rồi. Tôi biết mặc dù tôi mới chỉ được “chuốt nhọn” một phần tư trong “cái đồ chuốt bút chì cuộc đời”, nhưng vậy thôi cũng đã là một thành tựu VĨ ĐẠI của riêng tôi rồi.

Bây giờ, DỪNG LẠI!!! QUẪY THÔI!

Hẹn gặp lại ở Zihuatanejo.

Tỉnh thức,

Aron

Tái bút: Nhắn tin riêng cho tôi nếu bạn có nhu cầu muốn biết công thức cho món Lasagna.

#hardtobeholy

*Phản bác – bài viết này không có ý định xúc phạm, chỉ là một chia sẻ mang tính hài hước về trải nghiệm của BẢN THÂN.

** Chính người viết cũng chưa rõ về việc loài gặm nhấm thực tế có bị trĩ hay không.