Buổi vấn đáp gần đây với Mads Monsen từ Tạp chí D’Art De Saigon…
Anh có thể chia sẻ với độc giả một vài thông tin cơ bản về bản thân cũng như công việc hiện tại?
“CHÀNG NGỐC” - Bạn bè lâu nay vẫn thường gọi tôi như thế, nhưng thật lòng mà nói – tôi không hề để bụng. Mẹ tôi là người Việt còn bố tôi sinh ra và lớn lên ở Chile trong một gia đình người Đức. Tôi trải qua thời niên thiếu ở thủ đô Nairobi, Kenya, nhưng bản thân nhận thấy mình thật may mắn khi được sống ở nhiều nơi trên thế giới như Cameroon, Tây Ban Nha, Puerto Rico, Chile và Hoa Kỳ. Thật ra, sự giao thoa giữa các nền văn hoá khác nhau chưa từng khiến tôi có cảm giác biệt lập, xa lạ - nếu có đi chăng nữa thì điều đó cũng chỉ giúp tôi dễ dàng hoà nhập với những vùng đất tôi đã đặt chân đến, đồng thời thấm sâu vào lối sống và nghệ thuật của mình.
44 tuổi, tôi là bác sĩ Sản-Phụ Khoa đang công tác tại phòng khám Family Medical Practice và Bệnh viện Quốc tế Mỹ (American International Hospital).
Hiện tại, tôi đã sống ở Việt Nam được 5 năm, nhưng trước đó đã từng qua lại Việt Nam khá nhiều lần (lần đầu tiên là vào năm 1986), đặc biệt là từ khi bố mẹ tôi chuyển vào Sài Gòn sống vào năm 1995. Ngoài nhiếp ảnh ra, tôi còn đam mê du lịch, chơi
bóng đá với đội Saigon Raiders, đội bóng đá lâu đời nhất Sài Gòn dành cho người nước ngoài sống ở Việt Nam. Tôi cũng mới bắt đầu tập chơi trống “Handpan”, một loại nhạc cụ theo tôi biết là còn khá mới mẻ.
Anh miêu tả thế nào về trang Instagram cá nhân của mình?
Trang Instagram là cuốn nhật ký chân thật ghi lại những điều tôi trải nghiệm hằng ngày, góp nhặt từ nhiều quốc gia/vùng đất tôi may mắn được viếng thăm và sinh sống. (@aron_schuftan_photography)
Là một “nhiếp ảnh gia đường phố”, tôi cho rằng điều quan trọng là phải “bắt” được những khoảnh khắc và cảm xúc – mà không cố gò bó hay gượng ép đối tượng hay bối cảnh. Tôi cố làm một “chú ruồi đậu trên tường” và chụp lấy chính xác những gì mắt mình thấy được, nhưng đồng thời cũng cố “bắt” được những đối tượng khác lạ hoặc rất đỗi quen thuộc nhưng theo một cách hoàn toàn mới.
Nghệ thuật nhiếp ảnh bắt đầu với anh như thế nào? Điều gì đã truyền cảm hứng cho anh làm nhiếp ảnh?
Từ khi còn bé, tôi đã bắt đầu chụp ảnh để lưu lại những chuyến đi của mình, nhưng chỉ khi vào đại học ở New Orleans và được bố tặng cho chiếc máy ảnh Zeiss Ikon của ông, tôi mới thật sự nghiêm túc bước vào nghệ thuật nhiếp ảnh…và cũng kể từ đó, tình yêu tôi dành cho nhiếp ảnh chớm nở.
Anh có đặc biệt yêu thích những yếu tố nào đó mà anh hay chọn để đưa vào ảnh của mình hay không?
Tôi thích tìm những chi tiết trùng lặp và sử dụng “khung hình” tự nhiên cho ảnh của mình. Tôi cũng cố sử dụng ống kính góc rộng và kết hợp các “đường chủ đạo” trong những bức ảnh. Tôi nhận thấy cả hai phương pháp đều rất tuyệt vời, góp phần thu hút người xem và lấy được bối cảnh xung quanh đối tượng – bản thân tôi tin là điều này sẽ tạo ra những câu chuyện hình ảnh sống động hơn.
Đối với tôi, không chỉ bức ảnh thôi mà tựa đề cũng khá quan trọng. Thường thì tôi thậm chí còn nghĩ ra tựa đề trước cả khi chụp ảnh – thực chất, chính tựa đề đã làm nên ảnh tôi chụp. Tôi cho rằng thói quen này xuất phát từ bức ảnh đầu tiên đã làm tôi “xúc động”. Đó là một bức ảnh trắng đen của Annie Leibowitz chụp một đôi bàn chân, có tựa đề là “Pele”. Bức ảnh mình nó có lẽ không mấy đặc biệt nhưng khi thêm tựa đề vào, cả một tầng nghĩa mới phát sinh – chân dung đôi bàn chân được cho là nổi tiếng nhất thế giới. Kể từ đó, tôi luôn cố tìm cho bằng được những tựa đề giúp người xem nghĩ sâu hơn về bức ảnh một bước.
nh có nghĩ truyền thông xã hội là một công cụ để truyền cảm hứng không, hay ngược lại?
Tôi nghĩ nó là một con dao hai lưỡi – đúng, sự lan truyền thông tin và hình ảnh tức thời với quy mô lớn có thể giúp tạo cảm hứng, nhưng đồng thời, tôi chắc chắn là một phần nào đó chúng ta đã đi quá giới hạn cho phép: truyền thông xã hội đã tạo mầm mống cho một thế hệ mới – hội những người yêu bản thân thái quá và hoàn toàn chỉ quan tâm đến bản thân mình – và nó cũng tạo ra danh tiếng (cũng là bệ phóng) cho những kẻ thích pha trò lố lăng cũng như những người thiếu năng lực thực thụ. Ý tôi là, thực sự chúng ta có quan tâm Kim Kardashian đã ăn gì vào bữa sáng không? Nhưng có lẽ mọi người hỏi sai người rồi; tôi đâu phải là một fan cuồng của mạng xã hội. Nhưng chính nhờ truyền thông xã hội mà tôi được có mặt trong bài báo này, nên dù sao thì không phải lúc nào nó cũng chỉ có mặt xấu, phải không nào 🙂?
Trang Instagram của anh nhắm đến đối tượng nào?
Phần lớn là hướng đến gia đình và bạn bè, nhưng tôi thừa nhận là mình cũng thích có được những lượt “like” từ những người xa lạ ở khắp nơi trên thế giới.
Anh hy vọng người xem sẽ thu được gì từ các tác phẩm nghệ thuật của mình?
Tôi hy vọng những bức ảnh của mình sẽ giúp người xem nhìn thấy và trải nghiệm những vùng đất mới, nền văn hoá mới và đọng lại một cảm xúc nào đó. Khát khao này thôi thúc tôi ghi lại những khoảnh khắc có thể khiến người xem thấy khó chịu (chẳng hạn như chuỗi các bức ảnh chụp tại một khu chợ thịt cầy ở Hà Nội). Nhưng thật lòng, tôi luôn coi trọng cả những lời tán dương tích cực lẫn phê bình tiêu cực. Đối với tôi, việc tạo ra những tấm ảnh gây cảm xúc mạnh mẽ nơi người xem (dù tốt hay xấu) chính là điều mà tôi, một người làm nghệ thuật, luôn phấn đấu đạt được.
Instagram có tạo ra thử thách gì cho anh?
Không chỉ liên quan đến riêng Instagram mà còn cả truyền thông xã hội nói chung: rất khó để được biết đến như một người nghệ sĩ cũng như được đánh giá cao đối với các tác phẩm nghệ thuật của mình. Ngày nay, AI AI cũng là một nhiếp ảnh gia và khoảng chú ý của mọi người dần thu hẹp lại. Không những thế, do sự ra đời của Photoshop, bản chất của nhiếp ảnh cũng thay đổi theo – bây giờ có “bắt” được những khoảnh khắc một cách tài tình đến thế nào đi chăng nữa cũng không còn quan trọng, mà quan trọng là phải giỏi thiết kế đồ hoạ. Vài người bảo rằng photoshop chính là “sự tiến hoá của nghệ thuật nhiếp ảnh”, hay “đó là việc chúng ta thường làm trong phòng tối”. Nhưng đối với tôi, một người theo chủ nghĩa thuần tuý, tôi cố không dùng tới các kỹ thuật hậu kỳ cho các tác phẩm của mình (không cắt ảnh, không chỉnh sửa ảnh). Tôi vẫn luôn tin rằng nghệ thuật nằm ngay ở khoảnh khắc chụp được chứ không đợi tới sau đó trước màn hình máy tính. Những gì người xem nhìn thấy chính là những gì mắt tôi nhìn thấy ngay lúc tôi quan sát đối tượng. Nhưng cũng vì đây là sở thích của bản thân nên tôi có quyền quyết định như thế, chứ thật ra tôi hoàn toàn hiểu (và cảm thông) cho những người bạn cũng làm nhiếp ảnh chuyên nghiệp khi khách hàng đòi hỏi phải có được những bức ảnh hoàn hảo mà không hề quan tâm đó có phải là những bức chụp đẹp ngay từ lần đầu tiên bấm máy hay là sau khi đã trải qua 10 giờ mài giũa trên máy tính.
So với điểm xuất phát, phong cách của anh có phát triển nhiều không và phát triển như thế nào?
Khi nhìn lại các tấm ảnh đã chụp, tôi có thể thấy những giai đoạn mình đã đi qua: Trừu tượng, kiến trúc, thời trang, thiên nhiên – vì chỉ làm nhiếp ảnh như một thú vui, một sở thích nên tôi có thể tự do chụp ảnh bất kì đối tượng nào tuỳ thích. Nhưng tôi nhận ra rằng hiện tại nguồn cảm hứng lớn của mình chính là con người Việt Nam. Tôi chụp phần nhiều là trẻ em và người già. Sự “ngây thơ” của trẻ em và “trí tuệ” của người già là những chủ đề hết sức thú vị. Khi chụp ảnh, dù là đối tượng nào, tôi cũng cố kết hợp các yếu tố thị giác vào ảnh của mình nhằm mục đích kể chuyện chứ không chỉ cho “đẹp” mà thôi.
Anh có thể đề xuất một vài tài khoản Instagram yêu thích để mọi người cùng theo dõi?
Tôi thích Instagram của National Geographic (thực ra tôi khá ganh tị với tài khoản này). Ước mơ của tôi là được hợp tác với họ (nếu có ai đó giới thiệu, tôi sẽ vô cùng cảm kích!). Ngoài ra, tôi cũng là fan ruột của Justin Mott (@askmott), anh bạn từng là đối thủ/giám khảo của tôi trong “Photo Face-Off” – chương trình truyền hình thực tế về nhiếp ảnh trên kênh History mà tôi đã rất may mắn khi trở thành một trong những người chơi.
Điều gì đang được kì vọng ở trang Instagram của anh trong tương lai?
Hy vọng tôi sẽ duy trì được những gì mình đã làm được, nhưng ảnh sẽ đẹp và chất lượng hơn…
AronSchuftanPhotography #NationalGeographic #Nhiepanhduongpho #Dulich #Congdantoancau